Cũng như mọi bộ phận khác của cơ thể, mông, tay và chân cũng bị lão hóa do tuổi tác. Khi về già, mông, đùi, bắp chân, bắp tay, cẳng tay và cẳng chân yếu dần, ngày càng teo nhỏ, cơ bắp nhão ra và da mỡ chảy xệ. Vì vậy, can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ để phục hồi tối đa dáng vẻ gọn gàng săn chắc của móng và tay chân, là những kỹ thuật cần thiết và ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như ở việt nam.
I. Chỉ định:
- Những trường hợp cần can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ ở mông, đùi, bắp tay, cẳng tay và cẳng chân:
- Gầy nhỏ, kém phát triển ở người đã trưởng thành có thể do thể tạng cơ thể, do kém vận động hay bệnh lý.
- Phát triển quá mức độ do cơ địa bẩm sinh hay quá mập, nhất là khi bị béo phì.
- Dư da và đọng mỡ nhiều do mập hoặc do lớn tuổi
- Chỉnh hình thẩm mỹ theo ý muốn.
II. Kỹ Thuật:
1. Mông:
- Hút mỡ: khi mông quá to, dư thừa mỡ nhiều.
Nơi cần hút thường là phía ngoài (hông) và phía dưới gần nếp lằn mông.
Kỹ thuật hút mỡ thực hiện như hút mỡ ở những vùng khác.
Vô cảm: Nếu chỉ hút mỡ ở mông thì chỉ cần gây tê tại chỗ.
Thu gọn mông: khi mông nhão xệ cần áp dụng các biện pháp:
Căng da: Cắt bỏ da dư để căng da, làm gọn mông bằng đường rạch ngay nếp lằn dưới mông, sau đó cắt da dư theo tính toán và may đóng vết mổ.
Căng da kết hợp với treo cơ mông (bằng loại chỉ chuyên dụng) trong trường hợp cơ mông nhão chảy xệ.
Độn mông: Trong trường hợp mông nhỏ hoặc vừa nhỏ vừa xệ
Đây là kỹ thuật làm lớn mông bằng cách đặt vào mông (có thể dưới hoặc trên cơ mông) một miếng đệm mông nhân tạo (gluteal implant) được đúc sẵn với nhiều kích cỡ khác nhau, bằng vật liệu là hợp chất silicone dạng đặc dẻo như cao su.
Hiệu quả thẩm mỹ thấy rõ ngay sau khi phẫu thuật.
2. Đùi:
- Hút mỡ: khi đùi quá mập có thể làm cho đùi thon gọn bằng cách hút mỡ dư thừa ở mặt ngoài và mặt trong đùi, kể cả ở mặt trong và mặt ngoài ngay trên khớp gối.
- Kỹ thuật thực hiện dễ dàng với gây tê tại chỗ.
- Căng da đùi: Khi da đùi có nhiều biểu hiện dư nhiều có thể bớt da dư để thu gọn đùi.
Nếu da dư ít có thể cắt bằng đường rạch nằm ngay nếp bẹn.
Nếu da dư nhiều cần phải mở thêm đường rạch dọc theo mặt trong đùi. Đường rạch này có thể để lại vết sẹo xấu sau khi lành nên phải cân nhắc thận trọng.
Nếu cần thiết nên kết hợp hút mỡ và căng da đùi cùng lúc để hiệu quả cao hơn.
3. Bắp chân (bắp chuối cẳng chân)
- Khi bắp chân quá to: bắp chân to chủ yếu vì sự phát triển mạnh của cơ bắp (cơ bụng chân). Có thể làm thon gọn bắp chân mà không cần phẫu thuật. Đó là kỹ thuật chích Botox hết tác dụng thì phải chích Botox tiếp tục nếu muốn bắp chân tiếp tục thon gọn, dĩ nhiên, nếu thực hiện không chính xác thì Botox có thể làm tổn thương, suy yếu bắp cơ, ảnh hưởng đến khả năng vận động của cẳng chân…
- Khi bắp chân nhỏ: có thể làm to ra bằng kỹ thuật cấy ghép vào bắp chân (dưới cơ bụng chân), một miếng độn bằng chất liệu nhân tạo, đã được tạo hình và tiệt trùng sẵn. kỹ thuật này có thể thực hiện với gây tê tại chỗ.
4. Cánh tay (bắp tay):
- Hút mỡ: khi cánh tay có bắp tay rất to, quá mập có thể làm cho thon nhỏ gọn gàng hơn bằng cách hút bỏ lượng mỡ dư (chủ yếu là mặt trong cánh tay và có thể ở cả phía sau gần vai)
- Căng da cánh tay: khi da dư nhiều làm cánh tay nhão xệ, lòng thòng nếu da dư ít có thể cắt bằng đường rạch trong hố nách.
- Nếu da dư nhiều phải có thêm 1 đường rạch dọc theo phía trong cánh tay mới có thể căng da tối đa. Tuy nhiên đường rạch này cũng thường để lại sẹo xấu ở cánh tay, nên phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
- Để có hiệu quả cao nhất nên kết hợp hút mỡ và căng da cùng lúc.
5. Bàn tay:
Khi bàn tay gầy ốm: Có thể làm căng đầy bàn tay và làm các ngón tay mập mạp hơn bằng cách bơm vào dưới da các chất liệu như: mỡ tự thân, collagen, restylane, teosyal và các chất liệu nhân tạo khác như đã nói bài bơm da thẩm mỹ.
Trước đây người ta thường bơm bằng silicone lỏng cho hiệu quả kéo dài trong nhiều năm. Nhưng do silicone lỏng đã gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác kể cả ung thư, nên hiện nay không còn được sử dụng nhiều để bơm trực tiếp nữa, thậm chí còn bị cấm sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới.
Khi da bàn tay chùng, nhăn nheo: Có thể căng da để da bàn tay phẳng phiu hơn, trẻ trung hơn bằng cách cắt bớt da dư với đường rạch ở nếp gấp của bàn tay, cổ tay. Chúng tôi đã thực hiện một số ca căng da bàn tay kỹ thuật này có kết quả tốt, bệnh nhân rất hài lòng.
6. Kéo dài chân vì mục đích thẩm mỹ:
a) Khái niệm: Phương pháp này bắt nguồn từ một kỹ thuật ngoại khoa chấn thương chỉnh hình nhằm mục đích điều trị các chấn thương gãy xương chân và chỉnh hình các khuyết tật ở chân như chân cong vẹo, chân ngắn dài không đều.
Ở đây chỉ đề cập kỹ thuật kéo dài chân nhằm mục đích thẩm mỹ cho những người muốn có cặp chân dài hơn hiện tại.
b) Kỹ thuật:
Chỉ định: Áp dụng cho những người mà bẩm sinh có chân ngắn, hay chiều cao hạn chế, có nguyện vọng kéo dài chân để tăng thêm chiều cao nhằm mục đích thẩm mỹ thuần túy.
Tất nhiên phải là người không có bệnh lý về xương khớp và cũng không có các bệnh lý toàn thân khác, đủ điều kiện để tiến hành cuộc phẫu thuật kéo dài chân vì mục đích thẩm mỹ.
Nguyên lý của kỹ thuật: Theo hoạt động sinh lý bình thường, khi xương bị gãy, tại ổ gãy xương sẽ ngay lập tức diễn ra một quá trình táo tạo xương làm liền xương. Trong vòng 2 tuần đầu, các chất tạo xương sẽ tập trung tại ổ gãy, kết hợp mô liên kết hình thành một khối hàn gắn giữa 2 đầu xương gãy, gọi là can xương (cal osseux) can xương sẽ tiếp tục được bồi đắp và nuôi dưỡng để phát triển đến sau khoảng 2-3 tháng nữa, nó sẽ trở thành xương chính thức. Can xương còn gọi là xương non (I’os immature).
Để làm cho chân dài thêm, người ta can thiệp vào giai đoạn can xương này bằng cách tạo lức kéo liên tục cho 2 đầu xương gãy cách xa nhau thêm, để khối can xương luôn luôn ở trạng thái căng dãn ra, không kịp phát triển thành xương kín. Khi khoảng cách cần kéo đạt yêu cầu thì không kéo nữa. Kể cả lúc này khối can xương sẽ phát triển bình thường để thành xương chính thức làm liền xương.
Tất nhiên không phải muốn kéo dài chân bao nhiêu cũng được. Khi kéo dãn xương, tất cả các thành phần khác của chân như da, cơ, mạch máu, thần kinh cũng phải căng dãn theo. Sự căng dãn toàn bộ như vậy trong một thời gian dài hằng năm trời sẽ gây ra nhiều rối loạn, thậm chí có thể có những biến chứng về dinh dưỡng, cảm giác và vận động của chân dẫn đến những hệ lụy với toàn thân.
Kỹ thuật này có thể làm cho chân dài thêm được khoảng trên dưới 10cm và phải thực hiện kỹ thuật trong thời gian khoảng 1 năm. Mức độ kéo dài thêm càng nhiều, càng cần nhiều thời gian và nguy cơ xuất hiện các biến chứng càng tăng lên.
Nội dung phẫu thuật bao gồm các công đoạn:
Nội dung phẫu thuật bao gồm các công đoạn:
- Tạo một ổ gãy xương ở cẳng chân bằng cách cưa đứt rời xương tại điểm dự tính trước. Ổ gãy xương nhân tạo này khác với ổ gãy xương khác do chấn thương ở chỗ tất cả các thành phần khác chung quanh ổ gãy như màng xương (cốt mạc), cơ bắp, mạch máu, thần kinh… được đảm bảo nguyên vẹn.
- Trước đó, để chuẩn bị tiến hành cắt xương, phải thực hiện trước việc xuyên đinh qua hai phần xương nơi sẽ cắt đứt rời xương, các đinh này sẽ gắn với khung kéo bên ngoài để tạo lực kéo liên tục kéo 2 phần xương gãy xương về hai phía theo một tiến trình hợp lý được tính toán trước.
- Tiếp theo là giai đoạn hậu phẫu: Phải tích cực chăm sóc làm lành vết mổ và các tổn thương phần mềm tại chổ vết mổ. nếu để xảy ra nhiễm trùng vết mổ sẽ có nguy cơ gây nhiễm trùng ổ xương gãy, rất nguy hiểm.
- Giai đoạn tiến hành kéo dãn xương. Phải theo dõi tình trạng can xương, nghĩa là theo dõi quá trình hình thành xương non tại ổ gãy, để bắt đầu thực hiện việc kéo dãn xương vào một thời điểm thích hợp (thường sau 10 đến 15 ngày, khi vết mổ đã lành và tại nơi cắt xương can xương bắt đầu hình thành). Động tác kéo dài xương chính là động tác điều chỉnh (tender) khung kéo bên ngoài để tạo lực kéo dãn thường xuyên bắt buộc 2 đầu xương gãy dãn ra tạo thêm một khoảng cách lớn dần, cho đến khi khoảng cách giữa chúng đạt được mức độ theo yêu cầu kéo dài chi. (thực chất là kéo dài khối can xương của ổ gãy) động tác điều chỉnh khung kéo phải được thực hiện theo lịch trình phù hợp với tiến triển của can xương, tình trạng phần mềm liên quan đến xương và tình trạng sức khỏe toàn thân.
c) Lưu ý: Kéo dài chân là một kỹ thuật lớn và phức tạp vì nó gây một chấn thương lớn cho cơ thể và kéo dài trong cả một năm. Phải thận trọng và chu đáo trong việc theo dõi chăm sóc hậu phẫu để vừa đạt được mục tiêu thẩm mỹ vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, tránh các tai biến và biến chứng có thể xảy ra.
Các biến chứng có thể gặp:
- Nhiễm trùng: Nguy cơ nhiễm trùng là rất cao. Từ nhiễm trùng tại vết mổ hay từ các lỗ xuyên đinh, có thể dẫn đến nhiễm trùng xương (viêm xương, viêm xương-tủy xương) gây nhiều khó khăn cho điều trị và có thể đưa đến hậu quả nặng nề.
- Xương liền xấu (lệch vẹo) hoặc không liền (tạo thành khớp giả)
- Rối loạn dinh dưỡng và rối loạn cảm giác ở cẳng chân.
- Teo nhẽo cơ chân do thiếu vận động trong thời gian dài.
- Có trể gặp tình trạng xương khó liền hoặc không liền do những nguyên nhân tại chỗ và toàn thân.
- Có thể để lại nhiều sẹo xấu tại vết mổ và tại các lỗ xuyên đinh.
- Có thể mức độ kéo dài thêm xương không đạt yêu cầu đề ra
- Có thể có những biến đổi tâm sinh lý theo chiều hướng xấu do quá trình thực hiện quá dài hoặc do kết quả thẩm mỹ đạt được không tương xứng với lòng mong đợi.
Vì vậy cần phải chú ý:
- Chống nhiễm trùng tại chỗ và toàn thân thật tốt.
- Tăng cường dinh dưỡng, giữ gìn sức khỏe cho cơ thể để có thể chịu đựng tốt trong suốt thời gian đó.
- Kết hợp với các trị liệu khác để ngăn ngừa các rối loạn về cảm giác, vận động của da và cơ bắp cẳng chân.
Làm tốt công tác tư tưởng và các liệu pháp tâm lý để vượt qua các khó khăn trong suốt quá trình thực hiện và không bi quan tiêu cực khi có những bất thường xảy ra, kể cả khi kết quả thẩm mỹ không hoàn toàn thỏa mãn ý nguyện bản thân.